Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh được bao bọc bởi 4000m hàng rào gạch có trang trí hoa văn rất ấn tượng. Nội ô của Tòa Thánh rộng khoảng 1km2, trong đó còn có đền thờ Phật mẫu, có vườn kiểng đoàn kết, có cả rừng thiên nhiên.
Đập vào mắt du khách đầu tiên có lẽ là hệ thống cổng của Tòa Thánh, đường vào nội ô Tòa Thánh có tất cả 12 cổng, các cổng đều xây dựng theo kiểu Tam quan, được chạm hình Tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng) và hoa sen.
Tòa Thánh nhìn từ trên cao xuống. Ảnh theo Internet
Trong đó, cổng chính nổi bật lên bởi chiều cao, chiều rộng và cách trang trí khác hẳn. Trên cổng chính người ta đắp lưỡng long tranh châu, hoa sen cùng ba cổ pháp: quyển sách Xuân Thu, bình Bát Vu và Phất Trần. Ý nghĩa của việc bài trí ba cổ pháp nổi tiếng này cạnh nhau nói lên sự đồng nguyên của Phật giáo, Tiên giáo và Nho giáo.
Toà Thánh thu hút khách du lịch bởi kiến trúc độc đáo của mình. Ảnh Allen Wong
Nhìn tổng thể Toà Thánh Cao Đài Tây Ninh, người ta thấy Tòa Thánh mang hình tượng Long Mã bái sư. Long Mã là con vật linh huyền thoại mang Hà đồ trên mình, gợi ý cho vua Phục Hy vẽ nên Bát Quái Tiên Thiên.
Đầu Long Mã là mặt tiền nhìn thẳng về phía Tây. Hai lầu chuông và trống vươn lên như hai sừng nhọn. Nằm giữa hai lầu chuông trống là tòa nhà lầu với tầng trệt (TỊNH TÂM ĐÀI) như miệng Long Mã hả ra.
Tầng hai (PHI TƯỞNG ĐÀI) như cái trán với 2 cửa được coi như hai con mắt. Giữa là mắt Huệ (Thiên Nhãn). Trên cao có tượng Đức Di Lặc ngồi trên lưng cọp và tòa sen.
Đuôi Long Mã là Bát Quái Đài hướng thẳng phía Đông Thân Long Mã là phần ở giữa Đền (CỬU TRÙNG ĐÀI) chia thành 9 gian cao dần từ phía trước ra sau, nối liền Hiệp Thiên Đài với Bát Quái Đài.
Buổi làm lễ uy nghiêm, trang trọng của Toà Thánh. Ảnh Allen Wong
Mặt trước Tòa Thánh nhìn tổng thể trông thật nguy nga tráng lệ.
Biểu tượng của đạo Cao Đài là Thiên Nhãn. Ngoài việc thờ Thiên Nhãn, họ còn thờ Phật Thích Ca, chúa Giê su, Khổng Tử, Lão Tử, Phật Bà Quan Âm…
Từ Chánh môn đến đền thánh ta bắt gặp ba bảo tháp, sở dĩ gọi là bảo tháp vì đây là nơi thờ ba vị Đức Hộ Pháp, Đức Thượng Phẩm và Đức Thượng Sanh. Các tháp này được xây đắp, chạm trổ nhiều họa tiết thật tinh vi, sắc sảo.
Qua các tháp là sân Đại Đồng Xã, nơi có tượng Thái tử Siddharta cưỡi ngựa tìm Đạo, theo sau là người hầu cận Channa. Kế là Cửu Trùng Thiên, hình bát quái có 9 bậc và được sơn ba màu vàng, xanh, đỏ.
Cạnh đó là cây bồ đề cổ thụ nổi tiếng, người ta kể rằng cây bồ đề này được Đại Đức Thera Narada tặng, đây là cây con lấy từ Bồ đề đạo tràng bên Ấn độ – nơi Thái tử Siddharta đã tham thiền nhập định và trở thành Đấng Giác Ngộ, Đức Phật Thích Ca.
Hình ảnh những con rồng uốn quanh cây cột trên những tông màu nổi như: vàng, xanh, đỏ.
Ảnh: Allen Wong.
Có thể thấy, mỗi bộ phận Tòa Thánh Tây Ninh đều mang biểu tượng sâu sắc. Chẳng hạn, trên vòm trần nhà bên trong tòa thánh được ngăn ra làm 9 khoảng có hình bầu trời đầy mây và sao.
Khu chính diện thờ Thiên Nhãn nằm trên quả càn khôn có 3.027 ngôi sao (tượng trưng cho 3.072 quả địa cầu). Ngay cái tên Đại Đồng Xã cũng nói lên tính nhân bản chia sẻ cùng nhau, và tinh thần đại đồng để có thể chung sống hòa bình.
Hay các cột được đắp hình rồng và sen, trong tiềm thức của người phương Đông, hình ảnh rồng tượng trưng cho sự uy mãnh, cao quý, thiêng liêng…, và sen tượng trưng cho vẻ đẹp thanh khiết.
Gió và ánh sáng luôn tràn ngập trong đền, vì thế khi bước vào đền ta vẫn cảm nhận được thiên nhiên thật gần.
Đền Thánh là sự kết hợp độc đáo của nền kiến trúc Âu và Á. Với hai lầu chuông trống cao như tháp chuông nhà thờ phương Tây, nhưng Đền cũng có mái lợp uốn cong nhẹ, mái kép kiểu “trùng thiềm điệp ốc” của phương Đông.
Tuy nhiên, ta vẫn cảm nhận hồn Việt khi đến tham quan Tòa Thánh, đặc biệt qua Tứ Linh: Long, Lân, Quy, Phụng và hình ảnh hoa sen.
Bên cạnh sự thể hiện hài hoà giữa mỹ thuật kiến trúc Á Đông và Phương Tây, công trình nghệ thuật này
vẫn mang đậm dáng dấp của kiến trúc Việt.
Ảnh: Allen Wong.
Đến thăm Tòa Thánh Tây Ninh, bạn sẽ cảm thấy mình thật nhỏ bé trước một kiệt tác kiến trúc ẩn chứa bao nhiêu điều mầu nhiệm về bí pháp.